Kiến trúc bản địa mới tại Việt Nam: Xu hướng nào phát triển phù hợp trong tương lai?

Kiến trúc bản địa mới là sự tiếp nối của kiến trúc bản địa trong thời đại mới. Đây là sự tiếp nối và đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển lịch sử kiến trúc đương đại và có thể được xem như một sự tìm kiếm giúp định hình và duy trì bản sắc địa phương trong một môi trường quốc tế hóa mở rộng hiện nay ở khắp nơi trên thế giới.

Kiến trúc bản địa mới tại Việt Nam trong thập niên vừa qua đã phát triển với những tìm tòi thiết kế và tổ chức không gian sáng tạo cùng với sự hỗ trợ của công nghệ và vật liệu mới. Kiến trúc bản địa mới tại Việt Nam đã và đang giúp cho bộ mặt kiến trúc của Việt Nam phong phú và đa dạng hơn, góp phần dần định hình kiến trúc tiên tiến nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc.

kiến trúc bản địa
Indochine cafe ở Kontum do Võ Trọng Nghĩa thiết kế (Ảnh: Hiroyuki Oki)

Khái niệm kiến trúc bản địa và kiến trúc bản địa mới

Kiến trúc bản địa (KTBĐ) nằm ngoài các xu hướng/trào lưu/phong cách/chủ nghĩa kiến trúc lấy phương Tây làm trung tâm (western-centric) như được phân đoạn “chính thống” trong lịch sử kiến trúc thế giới và vốn cũng được giảng dạy trong các trường đại học trên thế giới và Việt Nam.

Định nghĩa Kiến trúc bản địa (vernacular architecture), hay còn gọi là chủ nghĩa Địa phương (Regionalism) hoặc Truyền thống bản địa (Vernacular tradition), cho tới nay không thống nhất dù cảm nhận về KTBĐ rất dễ dàng, khái niệm thậm trí còn đối lập nhau.

Paul Oliver, học giả nổi tiếng và là một trong những nhà nghiên cứu đầu tiên xác định KTBĐ và cho rằng KTBĐ là một thể loại kiến trúc phát triển trong các cộng đồng và có thể tự thích ứng với các điều kiện xã hội, khí hậu và công nghệ trong các thời đại.

Ngoài ra, ông cho rằng KTBĐ phù hợp với các giá trị, kinh tế, lối sống và các nền văn hóa khởi nguồn và cho rằng KTBĐ cần phải được tôn trọng như một loại hình di sản văn hóa [1]. Và thực tế cho thấy KTBĐ đã và đang được tôn trọng và thậm trí còn được coi như các di sản cần phải gìn giữ.

Bảng 1. Một số khái niệm kiến trúc bản địa

Sự thừa nhận chung nhất đó là KTBĐ là các công trình xây dựng đích thực/chân thực (authentic) của một địa điểm và tộc người cụ thể, đã được phát triển trong một thời gian dài trong lịch sử và được tạo dựng bởi những “con người bình thường” (không phải là kiến trúc sư được đào tạo) thông qua kiến thức được truyền từ đời này sang đời khác.

KTBĐ bao gồm nhiều loại công trình khác nhau (nhà ở, nhà công cộng…), nhiều phương pháp và vật liệu xây dựng khác nhau theo vùng miền và tộc người sử dụng, được hình thành từ lâu cho tới thời kỳ cách mạng công nghiệp tại châu Âu và tới thời kỳ hiện đại của các nước đang phát triển.

Khác với kiến trúc do kiến trúc sư thiết kế, KTBĐ đại diện cho kiểu kiến trúc không có kiến trúc sư và chiếm phần lớn trong tổng số các công trình được xây dựng trên thế giới, tới 95% theo ước tính của Amos Rapoport vào năm 1995 [2].

Trong khi các công trình do kiến trúc sư thiết kế thường được xem như các tác phẩm nghệ thuật (art works), ứng dụng các tiến bộ của khoa học công nghệ trong xây dựng và vật liệu, tìm kiếm các giải pháp tổ chức không gian đa dạng và hình khối sáng tạo… thì KTBĐ lại được xem như một dạng kiến trúc thiếu chuyên nghiệp, ít biến đổi, không được dẫn dắt bởi thiết kế, công nghệ và vật liệu đơn giản và sẵn có tại địa phương…

Tuy nhiên KTBĐ, đúng với tên gọi của nó cho dù để xác định được tính truyền thống (traditional) hay tính dân dã (folk) với tính bản địa (vernacular) không phải vấn đề dễ dàng, lại mang trong mình những câu chuyện văn hóa sâu sắc, phản ánh tính truyền thống được kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác, tồn tại bền vững trong mỗi cộng đồng dân cư, mỗi vùng đất cụ thể, cũng như cân bằng trong sự phát triển giữa môi trường xây dựng và môi trường tự nhiên vốn là một trong những điều cần quan tâm nhất trong phát triển bền vững đương đại.

KTBĐ mới là một biểu hiện đương đại của KTBĐ, lấy cảm hứng từ các yếu tố truyền thống trong môi trường địa phương và thể hiện với công nghệ và vật liệu đương đại. Nhiều kiến trúc sư tin rằng kiến trúc bản địa phải tuân thủ hình dáng và sử dụng vật liệu địa phương.

Tuy nhiên KTBĐ không hẳn chỉ là hình thức bên ngoài hay cảm nhận cảm tính. Bối cảnh hiện tại cần được phân tích như một lĩnh vực rộng lớn hơn nhiều với các vấn đề tâm linh, lịch sử, chức năng, không gian, văn hóa…

Bảng 2. Một số khái niệm kiến trúc bản địa mới
Bảng 2. Một số khái niệm kiến trúc bản địa mới

KTBĐ mới thường dựa trên hai phương pháp tiếp cận, đó là phương pháp mô phỏng truyền thống (conservative) và phương pháp tiếp biến truyền thống (interpretative). Phương pháp tiếp cận mô phỏng truyền thống tạo ra các công trình có hình dáng truyền thống hoặc sử dụng kỹ thuật và vật liệu truyền thống cho các công trình KTBĐ mới.

Phương pháp này dường như dễ được chấp nhận hơn trong bối cảnh của nền kinh tế phát triển thấp hoặc các vùng ngoại ô hoặc nông thôn. Tuy nhiên, một số ngoại lệ ngày càng lớn cho thấy phương pháp tiếp cận này chưa hẳn đã là mong muốn ngay cả của chính người dân địa phương.

Những ngôi nhà bằng đất ở vùng núi phía Bắc Việt Nam hay những ngôi nhà sàn miền núi cao dọc miền tổ quốc đã nhanh chóng mất đi ngay khi người dân có được đời sống kinh tế tốt hơn.

Bài học ngay tại Việt Nam về sự mất đi của những gì được coi là “truyền thống” hay di sản như những ngôi nhà bằng đất ở vùng núi phía Bắc Việt Nam hay những ngôi nhà sàn miền núi cao dọc miền tổ quốc đã nhanh chóng mất đi ngay khi người dân có được đời sống kinh tế tốt hơn, họ mong muốn có những ngôi nhà kiểu “người Kinh” ở vùng đồng bằng với kết cấu BTCT, tường gạch hay hình dáng “nhà Tây”…cho thấy kiểu tiếp cận này vẫn còn mang tính thử nghiệm với các công trình nhà cộng đồng mới xuất hiện trong hơn chục năm gần đây.

Trong khi đó, phương pháp tiếp biến truyền thống học tập và lựa lọc một hay nhiều yếu tố/thành phần, hữu hình hay vô hình, những gì tinh túy, thuộc về bản chất hay tính “truyền thống” để tích hợp trong tổ chức không gian hay hình thức kiến trúc của thời đại mới. Phương pháp này dường như là biểu hiện rõ ràng hơn và phù hợp hơn với hơi thở thời đại, và có thể được coi như sự nối dài của truyền thống trong cuộc sống đương đại.

Giá trị của cả hai phương pháp đều rất riêng. Nếu như phương pháp tiếp cận mô phỏng truyền thống mang lại những giá trị thẩm mỹ mới cho những thứ đang được cho là rất bình thường tại các vùng nông thôn, thì phương pháp tiếp biến truyền thống lại cho thấy khả năng “hòa nhập mà không hòa tan” trong làn sóng toàn cầu hoá.

Sơ lược phát triển kiến trúc Việt Nam giai đoạn 1975 đến nay

Lịch sử kiến trúc Việt Nam thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 thật đặc biệt, và kiến trúc cũng vậy với các giai đoạn 1900 – 1954, 1954 – 1975, 1975 – 1986 và 1986 đến nay. Mỗi giai đoạn có những sự phát triển kiến trúc rất đặc trưng trong mối quan hệ với các yếu tố của văn hóa phương Tây: Giai đoạn 1900 – 1954 với người Pháp và kiến trúc Pháp, giai đoạn 1954 – 1975 với các nước trong khối XHCN ở miền Bắc và người Mỹ ở miền Nam, giai đoạn 1975 – 1986 với các nước trong khối XHCN và giai đoạn 1986 đến nay với quốc tế trong một môi trường toàn cầu rộng mở.

Sự phát triển kiến trúc Việt Nam trong giai đoạn từ 1975 tới nay:

Giai đoạn 1975 – 1986: sau khi thống nhất đất nước đến năm 1986, nền kinh tế đất nước thống nhất sa sút do chiến tranh, sự trì trệ của mô hình kinh tế tập trung bao cấp, sự cấm vận của Mỹ và các nước đồng minh… đã biến Việt Nam thành một trong những nước có nền kinh tế phát triển thấp nhất thế giới.

Trong bối cảnh như vậy, kiến trúc thời kỳ này không có nhiều thành tựu nổi bật cho dù có rất nhiều công trình được xây dựng sau chiến tranh để phục vụ công cuộc bình ổn xã hội và phát triển kinh tế.

Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt – Xô.

Các công trình được cho là điểm nhấn trong thời kỳ này do các nước XHCN giúp đỡ như Cung văn hóa Hữu nghị hay Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội, tuy đều do KTS G.Isacovic thiết kế những cũng đã áp dụng những yếu tố bản địa như vỏ bao che hai lớp kết hợp chi tiết trang trí truyền thống, mái và hàng hiên đua ra lớn tạo không gian đệm và cảm giác của những mái đình cổ truyền…

Từ năm 1986 với chính sách Đổi mới, chuyển đổi mô hình kinh tế, mở cửa thị trường, mở cửa đất nước với thế giới, đặc biệt sau khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận đối với Việt Nam năm 1994 và Việt Nam tham gia nhiều tổ chức quốc tế (WTO 2007), nước ngoài nhiều hơn.

Các doanh nghiệp/tập đoàn đầu tư vào Việt Nam (từ các nước phương Tây, Đông Á…) trên mọi lĩnh vực, trong đó có xây dựng. Kể từ khi bước vào thế kỷ 21, sự thay đổi kiến trúc nói chung và kinh tế đô thị nói riêng diễn ra rộng rãi ở các tỉnh thành, đặc biệt là các đầu tàu kinh tế đô thị như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… đã và đang làm thay đổi diện mạo cũng như đường nét của các đô thị trên khắp Việt Nam.

Sự phát triển này có thể nói phần nào đã bắt kịp xu hướng phát triển kiến trúc trên thế giới. Các xu hướng/trào lưu/chủ nghĩa trong kiến trúc tại Việt Nam bao gồm chủ nghĩa hiện đại mới (neo-modernism), kiến trúc công nghệ cao (technology architecture), kiến trúc xanh (green architecture), kiến trúc gắn kết với tự nhiên (biophilic architecture), xu hướng phục cổ (cổ điển châu Âu, cổ Việt Nam), chủ nghĩa biểu hiện mới (neo-expressionism), chủ nghĩa tối giản (minimalism)…

Trong đó KTBĐ mới nổi lên như một lối thoát tìm về bản sắc dân tộc mà hiện đại. Bên cạnh đó, trong KTBĐ có gì đó những thành phần của kiến trúc xanh, của kiến trúc gắn kết với tự nhiên, và cả của kiến trúc hiện đại mới. KTBĐ mới tại Việt Nam trong thời gian này đã có đủ điều kiện để trỗi dậy như một trong những trào lưu chủ đạo do KTS Việt Nam thiết kế, dẫn dắt và truyền cảm hứng cho giới thiết kế chuyên nghiệp nói riêng và xã hội nói chung.

Kiến trúc bản địa mới tại Việt Nam

KTBĐ mới tại Việt Nam gồm cả hai phương pháp tiếp cận (phương pháp tiếp cận mô phỏng truyền thống và phương pháp tiếp biến truyền thống) được áp dụng trên toàn lãnh thổ Việt Nam, cả ở vùng nông thôn và đô thị. Các công trình được thể hiện cũng rất đa dạng, từ nhà ở, quán xá tới nhà cộng đồng dân cư.

Một số thành công được thừa nhận trên trường quốc tế. KTBĐ tại Việt Nam nở rộ khi bước sang thế kỷ 21 khi các nguồn đầu tư nhiều và đa dạng hơn, kiến trúc được chú ý hơn, được đầu tư thiết kế nhiều hơn.

Phương pháp tiếp cận mô phỏng truyền thống:

Phương pháp tiếp cận mô phỏng truyền thống tập trung xử lý vào hình dáng kiến trúc truyền thống thân quen, điều chỉnh phù hợp mà không gây sốc bằng cách khai thác các chi tiết truyền thống; khối tích vừa phải; không gian đệm phù hợp với khí hậu nhiệt đới; nhưng vật liệu xây dựng và hoàn thiện cũng như kỹ thuật xây dựng vừa truyền thống vừa hiện đại.

Giá trị từ những công trình như vậy thể hiện ở nhiều khía cạnh bao gồm cả thẩm mỹ, tổ chức không gian, kết cấu, vật liệu, kỹ thuật và cả các yếu tố mới như thông gió chiếu sáng tự nhiên hay tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả.

Công trình KTBĐ mới theo phương pháp tiếp cận mô phỏng truyền thống (hình 1,2,3,4)

Hình 1. Khu Thái học – Văn Miếu Quốc Tử Giám, 2000, KTS Lê Thành Vinh. Công trình đánh dấu sự thành công trong việc trùng tu và mở rộng trong khu vực lịch sử quan trọng cấp quốc gia. Khu Thái học tái hiện hình ảnh kiến trúc truyền thống với vật liệu và kỹ thuật xây dựng hiện đại. (Nguồn ảnh: Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám)
Hình 2. Yên Tử Legacy, 2018, KTS. Bill Bensley. Sự kết hợp khéo léo giữa kiến trúc truyền thống và cảnh quan tự nhiên trong tổ hợp không gian lớn. (Nguồn ảnh: Yên Tử Legacy)

Về mặt thẩm mỹ và tổ chức không gian, các công trình này bổ sung những giá trị thẩm mỹ mới đương đại cho kiến trúc truyền thống những tưởng khó có thể tạo ra sự mới lạ hơn nữa, chứng minh sức sống mãnh liệt của truyền thống trong thời kỳ đổi mới của đất nước, phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi mới về thẩm mỹ hay chức năng trong cuộc sống đương đại.

Những loại hình không gian mới như homestay, nhà cộng đồng, các không gian di động… được bổ sung. Các kỹ thuật xây dựng mới bổ trợ cho kỹ thuật cũ nhưng ko mất đi tính chất (liên kết, xử lý vật liệu) của vật liệu địa phương cũng như phù hợp với kỹ thuật xây dựng của địa phương.

Việc ứng dụng các công nghệ thiết kế và mô phỏng hiện đại cũng bổ sung thêm thành phần kiến trúc mới để gia tăng chất lượng không gian nội thất cũng như tiện nghi sử dụng như chất lượng không khí trong nhà thông qua thông gió tự nhiên và chiếu sáng tự nhiên từ trên tường và mái, sản xuất năng lượng tại chỗ, bổ sung giếng trời, ống khói và các khoảng thông tầng sáng tạo khác…

Hình 3. Nhà cộng đồng Suối Rè, Hòa Bình, 2012, KTS Hoàng Thúc Hào. Hình ảnh nhà Mường nhà Kinh được kết hợp với các giải pháp sáng tạo và học hỏi về vật liệu, kỹ thuật xây dựng… và tích hợp các giải pháp năng lượng trong công trình (Nguồn ảnh: Tạp chí Kiến trúc – Hội KTSVN)
Hình 4. Nhà cộng đồng Nậm Đăm, Hà Giang, 2015, KTS Hoàng Thúc Hào. Nhà cộng đồng kết hợp homestay với truyền thống vật liệu và kỹ thuật xây dựng địa phương, tổ chức không gian và tạo hình hiện đại, và ứng dụng mô phỏng năng lượng tối ưu hóa. (Nguồn ảnh: Công ty 1+1>2)

Và sau cùng và cũng quan trọng không kém, đó là những công trình hướng tới những cộng đồng yếu thế ở vùng cao và xa xôi như nhà cộng đồng, trường học, thư viện… đã góp phần làm gia tăng tính cộng đồng cũng như nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và về vệ sinh môi trường nói riêng cho cộng đồng dân cư và các thế hệ trẻ em vùng cao, mở ra những hướng đi mới cho xã hội cũng như kiến trúc nói riêng.

Phương pháp tiếp cận tiếp biến truyền thống:

Về mặt thẩm mỹ và tạo hình khối cũng như xử lý vỏ bao che công trình mang chức năng kép, vừa tạo hiệu quả thẩm mỹ, vừa tăng hiệu quả bao che ứng xử với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt hoặc bất lợi.

Xử lý khối và vỏ bao che cũng đóng vai trò tiên quyết với hiệu quả về “tính bản địa” do công trình tạo ra, tạo cảm nhận của người ngắm cũng như góp phần vào việc định hình sự phát triển trong bối cảnh không gian đô thị/nông thôn rộng lớn hơn.

Công trình KTBĐ mới theo phương pháp tiếp biến truyền thống (hình 5,6,7,8,9)

Hình 5. Nhà văn hóa thiếu nhi Hà Nội, 1977, KTS Lê Văn Lân. Công trình có thể được coi như đại diện của KTBĐ giai đoạn 1975 – 1986. (Nguồn ảnh: Tạp chí Kiến trúc – Hội KTSVN).
Hình 6. Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội, 1989, KTS G.Isacovic Công trình có thể được coi như đại diện của KTBĐ giai đoạn 1986 – 2000 (Nguồn ảnh: Travel Hanoi).

Với cảm nhận của nhưng người không phải trong nghề cũng như không có điều kiện tìm hiểu sâu, thẩm mỹ của vỏ bao che đống vai trò quyết định sự thành công của công trình.

Về mặt chức năng và tổ chức không gian (không gian mới phù hợp với đương đại, hình và khối không gian nội thất, chiều cao thông tầng, vách ngăn che nội thất, thông gió chiếu sáng tự nhiên thông qua cửa các loại lỗ mở vách ngăn mờ, trang thiết bị nội thất, cũng như các cấp độ trang thiết bị chủ động trong và ngoài công trình).

Các công trình cũng kết hợp hài hoà các không gian đóng và mở và khai thác đặc biệt các không gian đệm (buffe zone) kết hợp với cây xanh, mặt nước. Các giải pháp sáng tạo như vậy giúp nâng cao chất lượng không gian nội thất, tiện nghi cho người sử dụng…

Hình 7. Bảo tàng Đăk Lăk, 2011, KTS Nguyễn Tiến Thuận. Tổ chức không gian bảo tàng đương đại nhưng hình khối và chi tiết trang trí thấm đãm tính bản địa của các dân tộc đồng bào Tây Nguyên. (Nguồn ảnh: Công ty TNHH Kiến trúc X1-HAAI).

Về mặt kỹ thuật xây dựng và hệ thống kỹ thuật trong công trình, vật liệu chịu lực hiện đại kết hợp BTCT, thép, tường gạch (nung hoặc không nung) giúp gia tăng tính bền vững của công trình. Vật liệu hoàn thiện thân thiện với thẩm mỹ người địa phương, với môi trường tự nhiên của địa phương giúp gắn kết công trình với ngữ cảnh và phần nào đó thể hiện tính bền vững của công trình.

Khai thác kỹ thuật, vật liệu địa phương theo cách chưa từng có với các pattern kiểu parametric (tường gạch), với kiểu sử dụng vật liệu theo các cách khác nhau (ngói dùng để trang trí tường, gạch thông gió, chậu cây thoáng), bổ sung thông gió chiếu sáng tự nhiên bằng giếng trời kết hợp với cây xanh và mái kính, tính nghệ thuật và sự bay bổng nhẹ nhàng được tạo ra với những hình khối đơn giản và bằng tổ chức khéo léo các dầm bê tông, các nan gỗ thép…

Hình 8. F-Café, Quảng Bình, 2014, KTS Lê Vũ Hồng Quang. Vật liệu, không gian đệm, kết hợp cảnh quan cây xanh mặt nước là những điểm nổi bật địa phương. (Nguồn ảnh: Archidaily).

Hình 9. Termitary house (Nhà tổ mối), Đà Nẵng, 2014, Tropical Space. Giải pháp hình khối đơn giản, tổ chức không gian thông tầng đa dạng, vỏ bao che hai lớn thông gió tự nhiên và chiếu sáng tự nhiên tốt. (Nguồn ảnh: Hiroyuki Oki).

Ứng dụng các phần mềm mô phòng năng lượng, các phần mềm thiết kế kiến trúc chứa mô hình thông tính công trình (BIM) trong thiết kế và thi công giúp định lượng chính xác các tác động nhiệt và các điều kiện tự nhiên khác tới công trình cũng như giúp tính toán được các chế độ nhiệt và hiệu quả của thiết kế thụ động và chủ động trong công trình…

4. Kết luận

Vậy xu hướng nào trong KTBĐ sẽ phát triển phù hợp tiếp tục trong tương lai? Liệu vật liệu và kỹ thuật truyền thống còn có được ưu chuộng? Nhiều vật liệu truyền thống xuống cấp khá nhanh, tuổi thọ vật liệu truyền thống ngắn hơn nhiều và đòi hỏi bảo dưỡng dày công hơn nhiều so với vật liệu hiện đại.

Bản địa mới có thể chuyển sang các dạng khác không hay một dạng bản địa mới hơn nữa khi mà khoa học kỹ thuật trong xây dựng ngày càng phát triển, nếu vậy bản chất của KTBĐ sẽ thay đổi và tên gọi của KTBĐ có còn phù hợp?

Thập kỷ qua cho thấy KTBĐ mới tại Việt Nam đã đạt được những bước tiến vượt bậc và phần nào bắt kịp và hoà nhập vào dòng chảy KTBĐ mới chung của kiến trúc đương đại thế giới. Hướng đi tiếp theo và sự giao thoa của KTBĐ mà cũng là bản chất của nó, đó chính là tính bền vững.

Nếu lấy các tiêu chí của bền vững là kim chỉ nam cho KTBĐ thì dường như đó là câu trả lời chính xác nhất, vừa duy trì và kế thừa được tính truyền thống của văn hoá dân tộc, vừa phù hợp với các đặc điểm của bối cảnh địa phương cụ thể.

Đó cũng chính là sự hoà nhập mà không hoà tan, hay hướng tới hội nhập quốc tế nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc.

(Nguồn: TS.KTS Lê Chiến Thắng – Tạp chí Xây dựng)

Phong cách nội thất Indochine (Đông Dương)

—————————————————

Facebook: Sưa Interior

Zalo: Nội Thất Sưa

Hotline: CSKH – TTMKT

Kiến trúc bản địa mới tại Việt Nam: Xu hướng nào phát triển phù hợp trong tương lai?