Trong nhịp sống hiện đại đầy ồn ào và đòi hỏi sự hoàn hảo đến nghẹt thở, con người ngày càng khao khát một nơi để trở về nơi mà vẻ đẹp không nằm ở sự hào nhoáng, mà ở sự mộc mạc, chân thành và bất toàn. Đó cũng là lúc phong cách thiết kế Wabi Sabi xuất hiện như một làn gió lặng thầm nhưng sâu lắng, thổi vào không gian sống một tinh thần mới: sống chậm, sống thật và sống trọn vẹn với những gì hiện hữu.
Phong cách Wabi Sabi không chỉ là một xu hướng thẩm mỹ đến từ Nhật Bản, mà còn là một triết lý sống được thể hiện qua từng chất liệu thô mộc, từng vết xước tự nhiên, từng khoảng trống yên bình trong ngôi nhà. Vậy Wabi Sabi là gì, có gì đặc biệt và đâu là cách ứng dụng phong cách này vào từng không gian sống? Hãy cùng Sưa Interior khám phá vẻ đẹp đầy cảm xúc ấy qua bài viết dưới đây.
Phong cách Wabi Sabi là gì?
Phong cách Wabi Sabi là một triết lý thẩm mỹ độc đáo bắt nguồn từ Nhật Bản, tôn vinh vẻ đẹp của sự không hoàn hảo, tạm bợ và bất toàn. Trong thiết kế nội thất, phong cách Wabi Sabi được hiểu là nghệ thuật chấp nhận và trân trọng những dấu vết của thời gian như vết nứt trên tường, sự phai màu của gỗ, hay những bề mặt thô ráp thay vì che giấu hay thay thế chúng.
Không giống như những phong cách hướng đến sự hoàn hảo tuyệt đối như hiện đại tối giản (minimalism) hay tân cổ điển, Wabi Sabi thiên về sự tự nhiên, mộc mạc, và tĩnh lặng. Không gian mang phong cách này thường được tạo nên từ vật liệu thô tự nhiên như gỗ, đá, gốm không tráng men, vải linen hoặc vải lanh thô. Tông màu chủ đạo là các gam trung tính, trầm lắng như xám nhạt, be, nâu đất hoặc xanh lá nhạt giúp tạo cảm giác nhẹ nhõm, thiền định.
Phong cách này không chỉ là cách trang trí nhà cửa mà còn phản ánh lối sống: sống chậm, sống tối giản và biết trân trọng những điều giản đơn, không hoàn hảo điều mà triết lý Nhật gọi là mỹ học của sự bất toàn (aesthetics of imperfection).
Theo The Book of Tea của Kakuzo Okakura – một tác phẩm kinh điển của mỹ học Nhật Bản, Wabi Sabi chính là “cái đẹp ẩn sau sự tĩnh lặng và đơn sơ, nơi không có chỗ cho sự phô trương”.
Nguồn gốc và ý nghĩa của Wabi Sabi
Wabi Sabi xuất phát từ hai khái niệm trong tiếng Nhật: “Wabi” (侘) và “Sabi” (寂). Mỗi từ mang một tầng nghĩa riêng nhưng đều xoay quanh triết lý sống sâu sắc của người Nhật với:
– Wabi: ban đầu dùng để chỉ sự cô độc và buồn tẻ của cuộc sống đơn sơ nơi núi rừng, nhưng theo thời gian đã phát triển thành một khái niệm tích cực hơn: sự thanh đạm, sự giản đơn có chủ đích và vẻ đẹp đến từ sự khiêm nhường.
– Sabi: mang nghĩa “sự héo úa” hay “tàn phai bởi thời gian”, ám chỉ những dấu hiệu tuổi tác vết nứt, lớp gỉ sét, hay màu thời gian phai bạc nhưng không phải theo nghĩa tiêu cực mà là bằng cái nhìn trân trọng.
Khi kết hợp lại, Wabi Sabi trở thành một triết lý mỹ học đầy nhân văn: chấp nhận cái chết, sự đổi thay và sự bất toàn như một phần tự nhiên của cuộc sống. Nó mang tinh thần Zen (thiền), đậm chất Phật giáo nhấn mạnh vào sự tỉnh thức buông bỏ dục vọng vật chất và tìm thấy sự hài lòng từ những điều đơn sơ nhất.
Nguồn gốc của Wabi Sabi có thể được truy ngược về thời kỳ Muromachi (1336–1573) tại Nhật Bản trong bối cảnh phát triển của Trà đạo (Chanoyu) một nghệ thuật và nghi thức uống trà. Trường phái Wabi-cha do Sen no Rikyū – một bậc thầy trà đạo thế kỷ 16 sáng lập là một minh chứng sống động cho triết lý Wabi Sabi: từ cách chọn chén trà thô mộc, không đều, cho đến việc thưởng trà trong một không gian tối giản, yên tĩnh, và có chủ đích.
Triết lý Wabi Sabi ngày nay không chỉ giới hạn trong nghệ thuật mà còn lan tỏa vào thiết kế nội thất, nhiếp ảnh, thời trang và cả phong cách sống tối giản hiện đại (modern minimalism) ở phương Tây. Theo Wikipedia, Wabi Sabi là “một cái nhìn toàn diện về thế giới tập trung vào việc chấp nhận sự vô thường, bất toàn và không hoàn hảo từ đó mang lại sự bình an trong tâm hồn”.
7 Đặc trưng của phong cách Wabi Sabi trong thiết kế
Tôn trọng những điều cũ kỹ
Phong cách Wabi Sabi không cố gắng thay thế cái cũ bằng cái mới, mà ngược lại nó trân trọng dấu vết thời gian như một phần của vẻ đẹp. Những món đồ gỗ bị sờn, bề mặt tường bong tróc, hay đồ gốm có vết nứt… đều có thể trở thành điểm nhấn trong không gian. Đây là cách nhìn mang tính nhân văn sâu sắc: cái gì cũng có tuổi đời, và trong từng vết tích cũ kỹ ấy là ký ức, câu chuyện và chiều sâu của thời gian. Trong Wabi Sabi cũ không có nghĩa là lỗi thời mà là có hồn.
Sử dụng vật liệu tự nhiên
Phong cách Wabi Sabi hướng đến sự gần gũi và giao hòa với thiên nhiên với gỗ mộc, đá thô, gốm, đất nung, tre, vải linen… là những vật liệu thường được sử dụng. Những chất liệu này thường không hoàn hảo có thể cong vênh và vết nứt hay bề mặt sần sùi nhưng chính sự không hoàn hảo đó lại là vẻ đẹp thật. Không gian Wabi Sabi vì vậy thường mang lại cảm giác ấm áp, mộc mạc và thân thiện giống như đang sống giữa tự nhiên chứ không phải trong một căn nhà nhân tạo.
Màu sắc trung tính mang lại sự bình yên, tĩnh lặng
Bảng màu trong Wabi Sabi nghiêng về các tông đất (earth tones) và trung tính như be, xám tro, trắng ngà, nâu nhạt, xanh olive… Những màu này không gây chú ý mà tạo nền tảng cho một cảm xúc tĩnh tại, nhẹ nhàng. Màu sắc ở đây không chỉ để trang trí mà còn để nuôi dưỡng cảm giác sống chậm, sống sâu và sống hiện hữu. Nó là phương tiện để tạo ra không gian thiền ngay trong chính ngôi nhà của mình.
Thiết kế đơn giản, không cầu kỳ
Wabi Sabi phản đối sự phức tạp và rườm rà trong thiết kế mà mỗi chi tiết đều được cân nhắc kỹ lưỡng về công năng và tính cần thiết. Với Wabi Sabi moọi thứ phải có lý do tồn tại và đôi khi ít mới là nhiều (less is more). Điều này khiến phong cách Wabi Sabi có nét gần gũi với Minimalism nhưng điểm khác biệt là Wabi Sabi không hoàn hảo hóa mọi thứ mà vẫn chừa chỗ cho những dấu vết tự nhiên, góc cạnh bất cân xứng hay sự lỗi có chủ ý.
Vẻ đẹp bắt nguồn từ những thứ không hoàn hảo
Đây là cốt lõi của triết lý Wabi Sabi. Một chiếc bình có vết nứt nhưng được sửa bằng kỹ thuật Kintsugi (ghép vết nứt bằng vàng) không còn bị xem là hỏng mà là biểu tượng của sự hồi sinh và vẻ đẹp vượt lên từ tổn thương. Chính vì thế, không gian Wabi Sabi vì vậy rất thật mà không cần tô vẽ hay chỉnh sửa quá mức. Với Wabi Sabi ,mỗi chi tiết dù không hoàn hảo về mặt kỹ thuật nhưng lại hoàn hảo về mặt cảm xúc.
Tận dụng ánh sáng tự nhiên
Phong cách wabi Sabi khai thác tối đa ánh sáng tự nhiên không chỉ để tiết kiệm năng lượng mà còn tạo ra cảm giác gần gũi với thiên nhiên và sự sống. Ánh sáng trong phong cách này thường dịu nhẹ, đi kèm với bóng đổ, những khoảng sáng tối tạo nên chiều sâu cho không gian. Thay vì đèn sáng trắng mạnh, người ta ưa chuộng ánh sáng vàng, ánh sáng hắt nhẹ giống như ánh nắng len qua khe cửa vào buổi sớm.
Loại bỏ sự lộn xộn
Sống theo tinh thần Wabi Sabi là loại bỏ cái không cần thiết để giữ lại điều có giá trị. Không gian theo phong cách này luôn sạch sẽ gọn gàng và được tổ chức tối giản không có sự dư thừa của đồ trang trí hay nội thất. Tuy nhiên, sự gọn ở đây không phải là sự trống rỗng lạnh lẽo mà là khoảng thở, khoảng lặng nơi tâm trí có thể nghỉ ngơi.
Ưu nhược điểm của phong cách thiết kế Wabi Sabi
Ưu điểm của phong cách thiết kế Wabi Sabi
Phong cách Wabi Sabi mang lại cảm giác bình yên và thư giãn, như một khoảng thở quý giá giữa nhịp sống hiện đại đầy xô bồ. Nhờ sử dụng vật liệu tự nhiên, ánh sáng dịu nhẹ và bảng màu trung tính không gian Wabi Sabi trở nên nhẹ nhàng, tĩnh lặng, giúp con người kết nối với chính mình, giảm căng thẳng và sống chậm lại.
Phong cách này không đòi hỏi chi phí cao hay vật liệu xa xỉ thậm chí những món đồ cũ hay đồ tái chế nếu được sắp xếp đúng tinh thần sẽ góp phần nâng tầm giá trị thẩm mỹ. Điều đó khiến Wabi Sabi trở thành lựa chọn phù hợp cho cả nhà ở cá nhân lẫn không gian thương mại như quán cà phê, homestay. Ngoài ra phong cách này còn thúc đẩy một lối sống có ý thức hạn chế tiêu dùng quá mức, không chạy theo xu hướng nhất thời từ đó góp phần tiết kiệm tài nguyên và hướng tới sự bền vững.
Nhược điểm của phong cách Wabi Sabi
Bên cạnh những giá trị nổi bật, phong cách Wabi Sabi cũng tồn tại nhiều nhược điểm cần cân nhắc trước khi ứng dụng:
Đầu tiên là nguy cơ bị hiểu nhầm là sơ sài hoặc thiếu chăm chút nếu không hiểu đúng tinh thần, nhiều người có thể cảm thấy Wabi Sabi quá đơn giản đến mức xuề xòa, thậm chí giống như một không gian chưa hoàn thiện. Điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh văn hóa Việt nơi mà đa số vẫn ưa chuộng sự sạch sẽ, bóng bẩy và chỉn chu.
Bên cạnh đó, để thiết kế theo phong cách này đòi hỏi kiến trúc sư phải có gu thẩm mỹ tinh tế và khả năng cân bằng cao. Đây là sự tối giản có chiều sâu chứ không phải càng ít càng tốt và nếu lạm dụng khoảng trống hoặc thiếu điểm nhấn không gian sẽ rất dễ trở nên nhạt nhòa và thiếu sức sống. Ngoài ra, việc sử dụng nhiều vật liệu tự nhiên như gỗ mộc, gốm thô, vải linen… tuy mang lại cảm giác mộc mạc nhưng lại khó bảo trì trong điều kiện khí hậu nóng ẩm, dễ gặp các vấn đề như cong vênh, ẩm mốc hoặc bạc màu.
Các mẫu nhà phong cách Wabi Sabi
Nhà theo phong cách Wabi Sabi thường mang diện mạo đơn sơ nhưng đầy cảm xúc. Không cầu kỳ về hình khối hay chi tiết, các mẫu nhà này thường ưu tiên bố cục mở, liên kết với thiên nhiên và sử dụng vật liệu mộc như gỗ, đá, xi măng thô, đất nung. Kiểu nhà Wabi Sabi lý tưởng có thể là:
Nhà cấp 4 phong cách wabi sabi
Nhà cấp 4 theo phong cách Wabi Sabi mang đến cảm giác gần gũi và bình dị, rất phù hợp với người yêu lối sống tối giản và hòa hợp với thiên nhiên. Mẫu nhà này thường sử dụng mái dốc nhẹ, gỗ lộ thiên, tường xi măng thô hoặc vôi trát không đều tay để giữ lại sự thô mộc nguyên bản. Không gian bố trí theo chiều ngang, cửa sổ lớn đón nắng và gió, tối giản nội thất, ưu tiên đồ thủ công hoặc vật liệu tái chế. Nhà cấp 4 kiểu này không hướng đến sự hoành tráng mà tập trung vào cảm giác “sống chậm” và chất sống có chiều sâu.
Biệt thự sân vườn kiểu Nhật phong cách Wabi Sabi
Biệt thự sân vườn mang phong cách Wabi Sabi thường được thiết kế trải dài theo chiều ngang, bố cục mở hoàn toàn với sân vườn và không gian thiên nhiên. Mái nhà thấp, cửa kéo shoji, khung gỗ, nền đá mài hoặc sàn tre tạo nên một tổng thể đậm chất thiền. Không gian nội thất được tiết chế tối đa, mỗi món đồ đều có công năng rõ ràng và vẻ đẹp “khiêm nhường”. Với lợi thế diện tích, biệt thự phong cách Wabi Sabi hoàn toàn có thể khai thác ánh sáng, cây xanh và những khoảng trống rất hiệu quả để tạo ra một môi trường sống yên tĩnh.
Chung cư phong cách Wabi Sabi
Trong không gian hiện đại như chung cư hay penthouse, phong cách Wabi Sabi được ứng dụng bằng cách cân bằng giữa chất liệu công nghiệp và tự nhiên. Tường xi măng trần, sàn gỗ nhám, nội thất gỗ thô hoặc đá nguyên khối kết hợp cùng ánh sáng tự nhiên giúp làm mềm sự hiện đại của cấu trúc cao tầng. Các căn penthouse có thể tận dụng view cao thoáng và ánh sáng trời để nhấn mạnh sự giao hòa với thiên nhiên yếu tố quan trọng của Wabi Sabi. Tối giản về bố cục, tiết chế đồ đạc và giữ lại các chi tiết thô mộc là cách Wabi Sabi len vào không gian sống thành thị một cách tinh tế mà không lệch tông.
Nhà phố phong cách Wabi Sabi
Nhà phố với diện tích hẹp và mặt bằng phân lô vẫn hoàn toàn có thể áp dụng phong cách Wabi Sabi thông qua cải tạo và xử lý chất liệu khéo léo. Thay vì làm mới toàn bộ, người thiết kế có thể giữ lại các mảng tường cũ, kết hợp tường trát xi măng, cửa gỗ hoặc khung sắt gỉ để tạo dấu ấn thời gian. Không gian tầng trệt thường được mở thoáng tối đa, sử dụng giếng trời hoặc cửa kính lớn để lấy sáng. Nội thất bên trong tối giản nhưng có điểm nhấn như một chiếc bàn đá mài, một kệ sách thủ công hay bức tranh mộc. Nhà phố phong cách Wabi Sabi không khoe mẽ, mà âm thầm thể hiện cá tính qua sự khiêm tốn và chất sống có chiều sâu.
Các mẫu nội thất phong cách Wabi Sabi theo không gian
Phòng khách phong cách Wabi Sabi
Phòng khách theo phong cách Wabi Sabi ưu tiên sự đơn giản và thư giãn, với những đường nét mềm mại, không đối xứng và có phần “ngẫu hứng”. Sofa thường dùng chất liệu vải linen, cotton thô hoặc da mộc, tông màu be, xám nhạt hay nâu đất. Bàn trà gỗ nguyên khối, bàn đá mài hoặc có vết nứt tự nhiên là điểm nhấn đặc trưng. Tường thường được giữ nguyên xi măng trần, vữa thô hoặc sơn hiệu ứng loang nhẹ, kết hợp ánh sáng tự nhiên qua khung cửa lớn. Không gian phòng khách mang tinh thần chậm rãi, yên bình nơi mỗi món đồ đều có câu chuyện và không gì là thừa thãi
Phòng ngủ phong cách Wabi Sabi
Phòng ngủ Wabi Sabi là không gian của sự tĩnh lặng, nơi mọi chi tiết đều hướng tới sự nghỉ ngơi sâu sắc cả về thể chất lẫn tinh thần. Giường thường thiết kế đơn giản, thấp và chắc chắn sử chất liệu gỗ mộc hoặc khung thép đen đơn giản. Chăn ga gối dùng linen hoặc vải tự nhiên không ép phẳng, màu sắc trung tính như nâu trầm, xám đá, trắng ngà. Tường có thể là xi măng trần, gỗ mộc hoặc tường đất nung. Vật dụng trong phòng ngủ được tiết chế đến tối đa không có gì thừa, chỉ giữ lại những gì thực sự cần thiết và mang tính kết nối cá nhân sâu sắc.
Phòng bếp phong cách Wabi Sabi
Phòng bếp theo phong cách Wabi Sabi mang tinh thần giản dị nhưng không hời hợt. Tủ bếp thường làm từ gỗ thô, không sơn phủ bóng, bề mặt bàn có thể là bê tông mài, đá tự nhiên hay gạch gốm. Các vật dụng nấu nướng, đĩa bát thường là đồ gốm thủ công, không đồng bộ, có vết men nứt hoặc màu men loang càng làm tăng chất “đời sống thật” cho không gian. Kệ mở được ưa chuộng hơn tủ kín, vì tạo cảm giác nhẹ nhàng và dễ quan sát. Ánh sáng tự nhiên là yếu tố then chốt để giúp không gian bếp không bị nặng nề, đồng thời giữ cho mọi thứ thật mộc mạc và thân thiện.
Phòng tắm phong cách Wabi Sabi
Phòng tắm Wabi Sabi hướng đến sự thanh lọc và thư giãn. Vật liệu chủ đạo thường là đá mài, xi măng thô, gạch nung không tráng men hoặc gỗ chống ẩm. Bồn rửa có thể bằng đá nguyên khối hoặc sứ thủ công, vòi nước thường là kim loại xỉn màu hoặc đồng cũ tạo cảm giác tự nhiên.
Gương thường không viền hoặc dùng khung gỗ mộc, không đối xứng cũng không sao. Không gian được thiết kế mở, đón ánh sáng tự nhiên tối đa nếu có thể. Phòng tắm kiểu này không cần quá rộng, nhưng luôn mang lại cảm giác như một khoảng thở giữa bộn bề, gợi liên tưởng đến những suối nước nóng trong các nhà trọ kiểu Nhật.
Lưu ý quan trọng trong việc thiết kế nội thất phong cách Wabi Sabi
Khi thiết kế nội thất theo phong cách Wabi Sabi, điều quan trọng nhất là giữ được tinh thần “chân – mộc – tĩnh”. Đừng cố tình tạo ra vẻ cũ kỹ một cách giả tạo như dùng sơn hiệu ứng quá tay hay đồ trang trí giả cổ vì Wabi Sabi đề cao sự thật và vẻ đẹp của quá trình tự nhiên. Hãy lựa chọn vật liệu phù hợp với khí hậu và môi trường sống ví dụ như gỗ xử lý chống ẩm, vải tự nhiên thoáng khí hoặc đá có khả năng lão hóa đẹp theo thời gian.
Không gian cần tối giản nhưng không được lạnh lẽo nên cân bằng giữa vật liệu ấm (gỗ, vải thô, gốm) và ánh sáng tự nhiên để tạo cảm giác thư thái. Ngoài ra, nên đầu tư vào ít nhưng chất một chiếc bàn gỗ có dấu vết sử dụng hay một bộ bát đĩa gốm thủ công không đồng bộ; chính những điều nhỏ ấy làm nên cái hồn của Wabi Sabi chứ không phải ở sự hoàn hảo chỉn chu bề ngoài.
Lời kết
Wabi Sabi không chỉ là một phong cách thiết kế, mà còn là một triết lý sống giúp con người tìm thấy vẻ đẹp trong sự giản dị, bất toàn và tự nhiên. Trong một thế giới ngày càng vội vã và hào nhoáng, Wabi-Sabi nhắc chúng ta quay về với giá trị cốt lõi nơi cái đẹp không nằm ở sự hoàn hảo, mà ở sự chân thật, trầm lắng và có chiều sâu.
Nếu bạn đang tìm kiếm một không gian sống mang lại cảm giác an yên, gần gũi và đầy chất thơ, hãy để Wabi Sabi dẫn đường. Và nếu bạn cần một đơn vị hiểu rõ tinh thần ấy để hiện thực hóa nó qua từng đường nét, Sưa Interior sẵn sàng đồng hành cùng bạn trên hành trình kiến tạo không gian của tâm hồn.